Doanh nghiệp Việt “chậm nhưng chắc” trong thực hành ESG
ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) trở thành yêu cầu bắt buộc trên thị trường toàn cầu. Dù còn nhiều thách thức, doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước tiếp cận, thích nghi và chuyển hóa ESG thành lợi thế cạnh tranh dài hạn.
ESG – từ yêu cầu toàn cầu đến bước chuyển tại doanh nghiệp Việt
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng rõ nét, ESG đã không còn là khái niệm mới với cộng đồng doanh nghiệp. Thay vì là một lựa chọn tự nguyện, ESG đang trở thành điều kiện bắt buộc để tham gia các chuỗi cung ứng, thị trường xuất khẩu và hợp tác đầu tư quốc tế.
Tại Việt Nam, theo TS. Nguyễn Phương Nam – chuyên gia đánh giá quốc tế về báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Liên hợp quốc (UNFCCC), hoạt động ESG hiện vẫn đang trong giai đoạn đầu và có phần chậm so với xu hướng toàn cầu. Việc đầu tư và thực hành ESG chủ yếu diễn ra tại các tập đoàn lớn, công ty niêm yết, hoặc những doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng có mức độ cạnh tranh cao.
ESG Không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân được chỉ ra là do doanh nghiệp Việt chưa có đủ thông tin định hướng rõ ràng về ESG, còn e dè trong việc đầu tư do thiếu hành lang chính sách cụ thể. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tìm được cách để cân bằng ba yếu tố cốt lõi của ESG: môi trường, xã hội và quản trị, dẫn đến việc triển khai còn dàn trải, thiếu trọng tâm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, với sự vào cuộc ngày càng quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước, cam kết mạnh mẽ từ các tổ chức đầu tư tài chính và sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng, ESG tại Việt Nam đang bắt đầu có những bước chuyển mình đáng chú ý.
PGS. TS Nguyễn Đình Thọ – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) khẳng định, ESG không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu suất mà còn là chìa khóa để gia tăng uy tín, thương hiệu, mở rộng thị trường và khẳng định vị thế trong “sân chơi” toàn cầu.
Doanh nghiệp Việt chuyển hóa ESG thành giá trị thực tiễn
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã chủ động tiếp cận ESG và bước đầu gặt hái được kết quả tích cực. Tại Tập đoàn FPT, ESG đã được đưa vào chiến lược phát triển hơn 10 năm qua. Ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng Giám đốc FPT cho biết, từ bốn năm trở lại đây, ESG được triển khai toàn diện từ nội bộ đến hệ sinh thái đối tác. “Đưa ESG vào hoạt động cốt lõi sẽ nâng cao chất lượng vận hành, mở rộng tăng trưởng bền vững, tạo môi trường tốt để thu hút nhân lực trẻ. Đừng coi ESG là gánh nặng, hãy coi đó là cơ hội”, ông Khoa nhấn mạnh.
Ở lĩnh vực sản xuất, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng áp dụng các giải pháp giảm phát thải carbon, chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh và tuần hoàn. Kết quả, trong năm 2023, Vinatex đã giảm 2% lượng điện tiêu thụ và 84% lượng chất thải nguy hại so với năm trước.
Với ngành nông nghiệp, Tập đoàn Lộc Trời với triết lý “Cùng nông dân phát triển bền vững” cũng ghi nhận hiệu quả rõ rệt khi chuyển sang sản xuất xanh, giảm phát thải. Chi phí sản xuất của doanh nghiệp giảm 9%, trong đó chi phí thuốc trừ sâu giảm 23%, chi phí phân bón giảm 5%. Đồng thời, doanh thu tăng 2%, giá bán sản phẩm đầu ra cao hơn 1% so với canh tác truyền thống.
Trong ngành đồ uống, Công ty Heineken Việt Nam đã hoàn toàn chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sinh khối tại cả 6 nhà máy. Các phụ phẩm từ sản xuất bia như bã, men, bùn thải đều được tái chế thành sản phẩm đầu vào cho chuỗi giá trị khác như thức ăn chăn nuôi, phân bón, đất sạch… giúp doanh nghiệp tối ưu hiệu quả kinh tế tuần hoàn.
Để ESG thực sự lan tỏa rộng trong cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia nhấn mạnh vai trò then chốt của chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước. Cụ thể, cần sớm hoàn thiện hệ thống tiêu chí, công cụ đo lường ESG phù hợp với đặc thù doanh nghiệp Việt; đồng thời xây dựng cơ chế khuyến khích về tài chính, tín dụng, thuế và đào tạo nguồn nhân lực xanh.
Về phía doanh nghiệp, điều quan trọng là phải thay đổi tư duy – coi ESG là một khoản đầu tư chứ không phải chi phí. Việc lồng ghép ESG với chuyển đổi số cũng là hướng đi cần thiết, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, giảm tác động đến môi trường và tăng khả năng cạnh tranh bền vững.
Duy Trinh
https://vietq.vn/doanh-nghiep-viet-cham-nhung-chac-trong-thuc-hanh-esg-d232905.html