30 GW năng lượng sạch đã được các công ty lớn mua trong năm 2021

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu BloombergNEF (BNEF), các tập đoàn lớn đã mua kỷ lục 31,1 GW năng lượng sạch thông qua các thỏa thuận mua bán điện (PPA) vào năm 2021, tăng gần 24% so với mức kỷ lục 25,1 GW của năm trước.

Hoạt động này được thúc đẩy bởi Hoa Kỳ, nơi 2/3 số vụ mua sắm đã diễn ra. Tổng cộng, các tập đoàn của Mỹ đã mua 17 GW vào năm 2021. Tuy nhiên, theo báo cáo Triển vọng thị trường năng lượng doanh nghiệp 1H 2022 của BNEF thì có hơn 137 công ty ở 32 quốc gia khác nhau đã ký hợp đồng PPA vào năm ngoái.

Các công ty công nghệ lớn nhất đã ký kết hơn một nửa số thỏa thuận. Trong năm thứ hai liên tiếp, Amazon là công ty mua năng lượng sạch nhiều nhất trên toàn cầu. Công ty của tỷ phú Jeff Bezoz đã công bố 44 PPA ngoại vi ở chín quốc gia, tổng trị giá 6,2 GW. Điều đó nâng tổng công suất PPA năng lượng sạch của Amazon lên 13,9 GW, làm cho danh mục năng lượng sạch của công ty trở thành danh mục năng lượng sạch lớn thứ 12 trên toàn cầu trong số tất cả các công ty.


Các công ty dẫn dầu trong việc mua năng lượng sạch

Microsoft và Meta có số lượng PPA đứng ở những vị trí tiếp theo lần lượt là 8,9GW và 8GW. Trước đây, Google là doanh nghiệp dẫn đầu, nhưng gã khổng lồ tìm kiếm đã bắt đầu tìm nguồn cung cấp năng lượng tái tạo thông qua các phương pháp khác ngoài PPA.

Kyle Harrison, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Bền vững tại BNEF, cho biết: “ Hoạt động mua sắm năng lượng sạch của doanh nghiệp không còn là vấn đề tăng trưởng mỗi năm mà là tăng trưởng bao nhiêu”.

Mặt khác, AES đã bán năng lượng sạch cho các tập đoàn nhiều hơn bất kỳ nhà phát triển nào khác trên toàn cầu, với gần 3 GW. Hai phần ba việc bán năng lượng sạch diễn ra ở Hoa Kỳ, ngoài ra còn các thị trường khác bao gồm Brazil, Panama và Chile.

Engie đã ký hơn 2,1 GW PPA, bao gồm cả thỏa thuận 350 MW với Amazon cho năng lượng do Trang trại gió ngoài khơi Dundee ở Vương quốc Anh sản xuất. Cả AES và Engie đều có lợi thế về cơ sở hạ tầng. Điều này dẫn đến các dự án như Orsted (1,3 GW), Vattenfall (0,8 GW) và NextEra (0,7GW) đều có thành công lớn vào năm 2021.

BNEF trích dẫn các cam kết bền vững là động lực đằng sau việc mua năng lượng sạch kỷ lục. Khoảng 67 công ty đặt mục tiêu vào năm 2021, cam kết bù đắp tất cả nhu cầu điện của họ bằng năng lượng sạch, và mở rộng số lượng công ty cam kết lên 355 công ty trên 25 quốc gia.

BNEF ước tính rằng 355 công ty này sẽ cần mua thêm 246 TWh điện sạch vào năm 2030 để đạt được mục tiêu của họ. Số lượng này thấp hơn so với dự báo trước đó, phần lớn là do số lượng mua phá kỷ lục.

P.V
https://petrotimes.vn/30-gw-nang-luong-sach-da-duoc-cac-cong-ty-lon-mua-trong-nam-2021-640833.html

Việt Nam ưu tiên dự án năng lượng sạch phù hợp quy hoạch chung

Đó là một trong những nội dung chính trong buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với ông Alok Kumar Sharma Bộ trưởng, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc lần thứ 26 (COP 26) ngày 14/2.

Thông tin về những nỗ lực tích cực của ngành năng lượng trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, tổng vốn đầu tư nguồn và lưới điện của phương án tháng 12/2021 là 135,9 tỷ USD giai đoạn 2021-2030 (121,79 tỷ USD cho nguồn; 14,12 tỷ USD cho lưới). Với phương án điều hành tháng 12/2021, ngành năng lượng đã tiết kiệm được khoảng 28,9 tỷ USD vốn đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 so với phương án điều hành tháng 3/2021.

Với mục tiêu lâu dài đến năm 2030, ngành năng lượng phấn đấu đạt quy mô điện than là 38,8 GW, tăng so với hiện nay 18GW và gần như không tăng thêm đến năm 2045.

Giai đoạn 2031-2045, tổng vốn đầu tư nguồn và lưới điện của phương án tháng 12/2021 là 241,51 tỷ USD (230,07 tỷ USD cho nguồn; 11,44 tỷ USD cho lưới). Như vậy phương án điều hành tháng 12/2021 đã tiết kiệm được khoảng 4,2 tỷ USD vốn đầu tư trong giai đoạn 2031-2045 so với phương án điều hành tháng 3/2021.

Nói về những nỗ lực phát triển năng lượng sạch, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, ngay sau Hội nghị COP 26, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng phương án cập nhật lại dự thảo Quy hoạch điện VIII.


Nhà máy điện gió Đông Hải 1 (Đông Hải, Duyên Hải, Trà Vinh) với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, công suất 100 MW vừa khánh thành ngày 16/1.

Trong đó chú trọng phát triển nguồn điện theo hướng: Đánh giá lại tính khả thi các nguồn nhiệt điện than để tiếp tục giảm điện than; phát triển mạnh điện khí, nhất là điện khí LNG để đảm bảo an ninh năng lượng và tăng khả năng hấp thụ nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo quy mô lớn; phát triển mạnh mẽ nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và điện mặt trời; bố trí nguồn điện đảm bảo cân đối vùng miền, tránh truyền tải xa và đảm bảo dự phòng hợp lý ở từng miền.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện VIII để phù hợp với các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 như mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và Tuyên bố chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nhấn mạnh, Việt Nam cần sự hỗ trợ của quốc tế về nguồn vốn ưu đãi để đảm bảo thực hiện có hiệu quả các giải pháp vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia vừa đóng góp có hiệu quả mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bộ Công Thương luôn ưu tiên hỗ trợ trên cơ sở đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội, phù hợp quy hoạch chung, tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.

https://petrotimes.vn/viet-nam-uu-tien-du-an-nang-luong-sach-phu-hop-quy-hoach-chung-641974.html

Bỉ phá kỷ lục về năng lượng tái tạo trong năm 2021

Việc sản xuất năng lượng tái tạo đã phá kỷ lục ở Bỉ vào năm 2021, trong khi hạt nhân vẫn chiếm một nửa cơ cấu năng lượng, theo số liệu hàng năm do Elia, công ty quản lý lưới điện cao thế công bố.

Sản lượng điên gió và năng lượng mặt trời đạt 15,2 TWh vào năm 2021, tăng 2% (15 TWh vào năm 2020), nhờ sự gia tăng công suất lắp đặt trên bờ (+11%) và năng lượng mặt trời (+ 17%). Mặt khác, sản lượng gió ngoài khơi vẫn ổn định do công suất không thay đổi.

Theo Elia, vào ngày 21 tháng 5 năm 2021, tổng sản lượng năng lượng mặt trời và gió ở Bỉ đạt mức cao nhất mọi thời đại với sản lượng 6.420 MW.

“Một nửa mức tiêu thụ của Bỉ được cung cấp bởi những nguồn năng lượng này, mặc dù tình trạng này chỉ kéo dài 2% thời gian trong năm 2021”, công ty quản lý của cơ sở hạ tầng điện cao thế của Bỉ cho biết.

Năng lượng mặt trời và năng lượng gió chiếm khoảng 16,7% trong cơ cấu sản xuất điện của Bỉ vào năm 2021. Năng lượng hạt nhân chiếm 52,4% vào năm 2021.

“Việc sử dụng năng lượng hạt nhân trong hỗn hợp điện đã tăng 47% so với năm 2020. Điều này đã dẫn đến số lượng các nhà máy điện chạy bằng khí đốt giảm xuống”, Elia lưu ý. Việc sử dụng khí đốt để phát điện là nguyên nhân dẫn giá khí đốt tăng cao vào năm 2021. Năm 2020, khí đốt chiếm gần 25% tổng sản lượng điện của Bỉ.

Nhà điều hành lưới điện cao áp chỉ ra rằng Bỉ, trong những năm gần đây, đã đi từ nước nhập khẩu ròng trở thành nước xuất khẩu ròng, phá kỷ lục xuất khẩu hàng năm vào năm 2021, với 21,7 TWh xuất khẩu, tức là tăng 59% so với năm 2020.

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/bi-pha-ky-luc-ve-nang-luong-tai-tao-trong-nam-2021-638556.html

Lưu trữ khí tự nhiên dưới lòng đất như thế nào?

Gần đây, thị trường khí đốt tự nhiên thế giới đang có xu hướng tăng giá mạnh, ảnh hưởng lớn đến châu Âu, vì tất cả các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) được kết nối với nhau bằng mạng lưới khí đốt và điện.

Tổng quan khí đốt ở châu Âu

Nguồn cung cấp khí đốt cho EU một phần đến từ các nguồn nội địa (30%), đặc biệt từ Đan Mạch, Hà Lan và Romania, nhưng đang có xu hướng giảm. Phần còn lại (70%) được nhập khẩu bằng đường ống dẫn khí hoặc đường biển dưới dạng LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng). 90% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của châu Âu được cung cấp bởi các đường ống dẫn khí đốt từ Nga, Algeria, Na Uy, Libya, Iran và Azerbaijan và 10% dưới dạng LNG được vận chuyển bởi các hãng vận tải LNG, đến từ Qatar, Algeria, Nigeria, Peru, Trinidad và Tobago và có thể là Mỹ, Canada và Australia. Lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga ở mức trung bình đối với Pháp (gần 20%), nhưng cao đối với toàn châu Âu (hơn 40%) và lớn đối với Đông Âu (khoảng 90%).

Ở châu Âu, lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ thường được chia sẻ giữa hệ thống sưởi nhà ở dân cư (khoảng 40%), ngành công nghiệp và ngành điện (khoảng 55%). Khí được sử dụng để sản xuất điện bằng turbine khí chu trình mở hoặc chu trình hỗn hợp. Ở nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia không có thủy điện hoặc điện hạt nhân, các turbine khí được sử dụng như một nguồn dự phòng cho năng lượng tái tạo không liên tục trong thời gian ít gió và ít nắng. Mùa hè năm 2021 không có nhiều gió trên khắp châu Âu. Đó là lý do tại sao mức tiêu thụ khí đốt cao hơn bình thường và các kho dự trữ không được lấp đầy khi mùa đông đến gần.

Một số quốc gia coi khí đốt là năng lượng chuyển tiếp từ than hướng tới mục tiêu “không phát thải” của châu Âu vào năm 2050. Lập luận là lượng phát thải khí nhà kính trực tiếp liên quan đến quá trình đốt cháy khí tự nhiên thấp hơn một nửa so với các nhà máy nhiệt điện than hiện đại nhất và thấp hơn 2/3 so với các nhà máy nhiệt điện than cũ.

Lưu trữ khí đốt tự nhiên

Khí tự nhiên hiện được lưu trữ tại 600 địa điểm dưới lòng đất trên khắp thế giới, với khối lượng tương đương 12% lượng khí tiêu thụ toàn cầu hằng năm. Khí tự nhiên có thể được lưu trữ trong các bể chứa hydrocarbon cũ cạn kiệt (các mỏ đã cạn kiệt), trong các tầng chứa nước sâu hoặc trong các hang muối.

Loại đầu tiên chiếm 3/4 trữ lượng khí dưới lòng đất trên thế giới: Khí được lưu trữ trong độ xốp của đá vỉa trước đó đã giữ lại hydrocarbon. Canada là quốc gia đầu tiên lưu trữ khí đốt tự nhiên dưới lòng đất vào năm 1915, tiếp theo là Mỹ vào năm 1916 (Zoar, bang New York), sau đó vào năm 1956, Pháp đã phát triển kho chứa đầu tiên tại Beynes ở Yvelines. Đây là cách lưu trữ an toàn và tiết kiệm nhất. Chi phí xây dựng kho chứa, không bao gồm chi phí tài chính hoặc chi phí vận hành, dao động trong khoảng 0,15-0,8 euro/1 Nm3 khí tùy thuộc vào loại kho chứa.


Các điểm lưu trữ khí dưới lòng đất ở Pháp.

Châu Âu có 237 điểm lưu trữ khí đốt dưới lòng đất dưới các hình thức khác nhau (gần một nửa trong mỏ khí đã cạn kiệt, khoảng 80 trong hang muối và 30 trong các tầng chứa nước mặn) với dung tích lưu trữ 186 GNm3, tập trung ở các quốc gia: Ukraine (32 GNm3), Đức (26 GNm3), Italia (25 GNm3), Pháp (13 GNm3), Thổ Nhĩ Kỳ (13 GNm3)… Nga chỉ có dung lượng lưu trữ 2 GNm3 vì cho rằng không cần thiết.

An ninh cho mạng lưới khí

Việc lưu trữ khí tự nó không bảo đảm ổn định giá cả mà phụ thuộc vào cách khí được quản lý và khả năng kết nối giữa các kho lưu trữ. Châu Âu được tổ chức theo các nguyên tắc của chủ nghĩa tự do với những ngoại lệ. Ví dụ, ở nhiều quốc gia thành viên EU, năng lượng tái tạo phải được định giá tại thời điểm mời thầu. Do đó, hệ thống vừa mang tính tự do vừa có quy củ.

Người nắm giữ một kho dự trữ khí đốt tự nhiên, nếu theo định nghĩa của Max Weber là tạo ra lợi nhuận tối đa, không nhất thiết phải hành động theo cách tích cực về mặt xã hội đối với người tiêu dùng khí đốt. Ngược lại, người nắm giữ có thể bị cám dỗ để đầu cơ, chờ giá rất cao mới bán ra. Chính vì vậy, ở một số quốc gia, bao gồm cả Pháp, thị trường lưu trữ khí đốt được quản lý bởi hệ thống đấu thầu công cộng.

Tại Pháp, dung lượng khí lưu trữ được bán theo hình thức đấu giá, các điều khoản và điều kiện do Ủy ban Điều tiết năng lượng đặt ra. Châu Âu có thể và phải xác định mức dự trữ chiến lược nào là mong muốn về mặt xã hội và xác định các phương tiện trả công cho những khoản đầu tư nặng nề này và việc khai thác các nguồn khí dự trữ. Việc lưu trữ khí được tổ chức một cách có hệ thống và minh bạch mang lại sự linh hoạt và an toàn cho mạng lưới khí. Nhìn chung, nhu cầu về khí đốt sẽ sớm giảm ở châu Âu do những tiến bộ trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong các tòa nhà và sự gia tăng sản xuất điện từ các nguồn năng lượng gió và mặt trời. Nhưng điều cần thiết là phải cung cấp điện ổn định theo thời gian để bảo đảm sự hoạt động ổn định của mạng lưới khí vào mỗi mùa đông.

Để tăng công suất kho chứa khí, không chỉ nhằm khai thác các nguồn dự trữ này đủ sinh lời mà trên hết là tăng tính an toàn cho hệ thống khí, hấp dẫn các nhà đầu tư. Có được như vậy, lưu trữ khí dưới lòng đất mới là một giải pháp tốt.

S.Phương
https://petrotimes.vn/luu-tru-khi-tu-nhien-duoi-long-dat-nhu-the-nao-638921.html

Năng lượng mặt trời chiếm một nửa công suất phát điện mới của Hoa Kỳ trong năm 2022

EIA cho biết họ dự kiến ​​sẽ bổ sung thêm 46,1 GW công suất phát điện quy mô tiện ích mới vào lưới điện Hoa Kỳ trong năm nay. Khoảng 21,5 GW (46%) trong số đó sẽ là từ các dự án năng lượng mặt trời, 9,6 GW (21%) từ các dự án khí đốt tự nhiên và 7,6 GW (17%) từ điện gió. EIA cho biết họ dự kiến ​​sẽ có thêm 5,1 GW (11%) đến từ các dự án lưu trữ năng lượng.

Cơ quan này cũng cho biết, 5% dự kiến ​​bổ sung công suất điện của Hoa Kỳ vào năm 2022 sẽ đến từ 2 lò phản ứng mới tại nhà máy điện hạt nhân Vogtle ở Georgia. Tổ máy số 3 của nhà máy này đã bị trì hoãn đến tháng 6/2022 để có thêm thời gian xây dựng và thử nghiệm. Dự án bị trì hoãn kéo dài đã nhiều lần làm tăng chi phí dự án.

Các con số trong báo cáo của EIA về việc bổ sung công suất điện được tổng hợp, phân tích từ các báo cáo hằng tháng và hằng năm do các nhà phát triển và vận hành nhà máy điện cung cấp. Trong các cuộc khảo sát đó, EIA đã yêu cầu các nhà phát triển cung cấp thời gian cho việc đi vào hoạt động của các dự án điện vòng 5 năm tới.


Biểu đồ dự kiến phân bổ năng lượng điện mới bổ sung năm 2022 của Hoa Kỳ.

Theo báo cáo, 21,5 GW năng lượng mặt trời dự kiến được bổ sung vào năm 2022 sẽ vượt qua 15,5 GW của năm ngoái. EIA đưa ra các con số ước tính dựa trên các bổ sung được báo cáo cho đến tháng 10/2021, cũng như các bổ sung dự kiến ​​trong 2 tháng cuối năm 2021. Hầu hết nguồn năng lượng mặt trời được bổ sung trong năm 2022 dự kiến ​​sẽ ở Texas (6,1 GW chiếm 28% tổng số), tiếp theo là California (4 GW chiếm 18%).

EIA dự kiến ​​công suất điện gió 7,6 GW sẽ đi vào hoạt động vào năm 2022. Con số này sẽ thấp hơn một nửa so với mức cao kỷ lục 17,1 GW được đưa vào hoạt động vào năm 2021. Khoảng 51% công suất điện gió bổ sung năm 2022 sẽ là các dự án nằm ở Texas. Trung tâm Năng lượng gió Traverse 999 MW ở Oklahoma, dự án gió lớn nhất Hoa Kỳ dự kiến ​​đi vào hoạt động vào năm 2022 và ​​bắt đầu hoạt động vào tháng Tư năm nay.

Trong số 9,6 GW công suất đốt khí tự nhiên mới dự kiến, các nhà máy chu trình hỗn hợp chiếm 8,1 GW (hơn 84%) trong tổng số, với các nhà máy đốt chiếm 1,4 GW. Khoảng 88% dự án công suất khí đốt tự nhiên dự kiến được ​​bổ sung nằm ở Ohio, Florida, Michigan và Illinois.

H.A
https://petrotimes.vn/nang-luong-mat-troi-chiem-mot-nua-cong-suat-phat-dien-moi-cua-hoa-ky-trong-nam-2022-638848.html

Màng bọc thực phẩm làm từ ngô giúp thực phẩm tươi lâu hơn

Một loại màng bọc thực phẩm mới được phát triển từ nguồn gốc thiên nhiên có thể giúp thực phẩm tồn tại lâu hơn, ngoài ra nó còn có thể phân hủy sinh học giữ vệ sinh môi trường.

Được phát triển bởi các nhà khoa học tại Đại học Harvard và Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore (NTU), vật liệu làm màng bọc này có hình dạng trong suốt. Được tạo ra từ quá trình quay kéo sợi, các sợi cơ bản của nó bao gồm protein ngô được gọi là zein, cùng tinh bột, xenlulo và các polyme có nguồn gốc tự nhiên khác. Những sợi đó được tẩm các hợp chất kháng khuẩn tự nhiên như cỏ xạ hương, axit xitric và axit axetic.

Khi màng bọc ban đầu được đặt xung quanh một thực phẩm như thịt, cá hoặc sản phẩm tươi sống, hợp chất kháng khuẩn vẫn còn trong các sợi. Tuy nhiên, nếu độ ẩm tăng lên hoặc nếu một số enzym nhất định được tạo ra bởi vi khuẩn có hại, những hợp chất đó sẽ tự động được giải phóng, sau đó chúng sẽ tiến hành tiêu diệt vi khuẩn cùng với bất kỳ loại nấm nào, giữ cho thực phẩm không bị hư hỏng.

Giáo sư Mary Chan (trái) và Tiến sĩ Suresh Kumar Raman Pillai với các mẫu phim kháng khuẩn. 

Trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, dâu tây tươi được bọc trong màng bọc thực phẩm kéo dài 7 ngày trước khi phát triển nấm mốc, so với bốn ngày đối với dâu tây được giữ trong giỏ trái cây thông thường.

Ngoài ra, như đã đề cập, vật liệu phân hủy sinh học hoàn toàn sau khi bị loại bỏ. Cũng cần lưu ý rằng zein thu được từ bột gluten ngô, một phụ phẩm phế thải từ quá trình sản xuất etanol. Người ta hy vọng vật liệu này có thể được thương mại hóa trong vài năm tới.

Giáo sư Mary Chan của NTU cho biết, bao bì thực phẩm hoạt tính bền vững, có thể phân hủy sinh học với công nghệ ngăn chặn vi khuẩn và nấm, có tầm quan trọng lớn đối với ngành công nghiệp thực phẩm. “Nó có thể đóng vai trò là giải pháp thay thế thân thiện với môi trường cho các polyme làm từ dầu mỏ sử dụng trong bao bì thực phẩm thương mại, chẳng hạn như nhựa, có tác động tiêu cực đáng kể đến môi trường”, GS Mary Chan nhấn mạnh.

An Hạ
https://vietq.vn/mang-boc-thuc-pham-lam-tu-ngo-giup-thuc-pham-tuoi-lau-hon-d195819.html