Posts

Phát triển bền vững cho hành tinh đang thay đổi với tiêu chuẩn quốc tế

Các tiêu chuẩn quốc tế cung cấp hướng dẫn có giá trị trong mọi khía cạnh của đời sống, từ hiệu quả năng lượng, giao thông thông minh, đến chất lượng không khí và quản lý chất thải.

Phát triển bền vững được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau, nhưng định nghĩa trích dẫn phổ biến nhất đến từ Báo cáo Tương lai chung, được gọi là Báo cáo Brundtland như sau: “Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”.

Tính bền vững hình thành nên nền tảng của khuôn khổ toàn cầu hàng đầu hiện nay cho hợp tác quốc tế – Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Các mục tiêu toàn cầu này không chỉ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà còn thúc đẩy hòa nhập xã hội và bảo vệ môi trường. Cùng nhau, ba chiều của tính bền vững (kinh tế, xã hội và môi trường) tạo nên một con đường cân bằng hướng đến thịnh vượng, đảm bảo tất cả mọi người trên hành tinh này có thể sống cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh và viên mãn.

Khí hậu và phát triển bền vững

Nghiên cứu cho thấy tác động của khí hậu đến phát triển bền vững là rất sâu sắc. Biến đổi khí hậu đang đặt những thành tựu phát triển vào tình trạng nguy hiểm, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề đến các cộng đồng dễ bị tổn thương. Các rủi ro liên quan đến một mối nguy hiểm khí hậu nhất định phụ thuộc vào mức độ dễ bị tổn thương của một quốc gia. Các sự kiện thời tiết leo thang được dự đoán sẽ làm tăng đáng kể tình trạng sức khỏe kém và tử vong sớm, cũng như mức độ phơi nhiễm của dân số với bệnh tật và tử vong liên quan đến nhiệt độ.

Đồng thời, rủi ro về khí hậu của một quốc gia được xác định bởi các quyết định phát triển mà quốc gia đó đưa ra. Ví dụ, xu hướng toàn cầu hướng tới đô thị hóa khiến sức khỏe nhiều người gặp rủi ro hơn vì tác động của biến đổi khí hậu có thể trầm trọng hơn trong bối cảnh đô thị.

Ô nhiễm không khí ở các thành phố, chỉ cần nêu một ví dụ là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe, góp phần gây ra hàng triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Nếu không có hành động nào được thực hiện, hậu quả sẽ tiếp tục đe dọa đến sự an toàn, khả năng phục hồi và tính bền vững của đô thị.

Ảnh minh họa.

Phát triển nhà ở bền vững

Tầm quan trọng của nhà ở là một phần không thể thiếu của phát triển đô thị bền vững vì nó phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên. Nhà ở bền vững như được nêu trong Mục tiêu 11 của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, nhằm đảm bảo mọi người đều có thể tiếp cận nhà ở đầy đủ, an toàn và giá cả phải chăng vào năm 2030. Những ngôi nhà được thiết kế thông minh này cung cấp môi trường sống thoải mái, lành mạnh và an toàn bằng cách sử dụng các kỹ thuật nhà ở bền vững giúp giảm lượng khí thải carbon, cắt giảm chi phí năng lượng và thúc đẩy lối sống năng động.

Phát triển nhà ở bền vững có bốn lợi thế chính: Giảm thiểu biến đổi khí hậu – nhà ở bền vững giúp giảm lượng khí thải carbon bằng cách kết hợp công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguồn năng lượng tái tạo và vật liệu xây dựng bền vững.

Bảo tồn tài nguyên: Phát triển nhà ở bền vững ưu tiên sử dụng vật liệu tái chế và có nguồn gốc tại địa phương, giảm bớt gánh nặng cho tài nguyên thiên nhiên.

Giảm mức tiêu thụ năng lượng: Bằng cách kết hợp các tính năng tiết kiệm năng lượng như tấm pin mặt trời, cách nhiệt tốt hơn, công nghệ thông minh và kỹ thuật sưởi ấm, làm mát thụ động những ngôi nhà bền vững có thể tối ưu hóa hiệu suất năng lượng, dẫn đến giảm hóa đơn tiền điện.

Nâng cao chất lượng không khí trong nhà: Phát triển nhà ở bền vững ưu tiên chất lượng không khí trong nhà bằng cách sử dụng vật liệu xây dựng không độc hại và thúc đẩy hệ thống thông gió phù hợp. Điều này góp phần tạo nên môi trường sống lành mạnh hơn.

Tiêu chuẩn cho cuộc sống bền vững

Xây dựng một thành phố bền vững là công việc phức tạp vì mỗi thành phố đều có những thách thức riêng. Một mẫu số chung có thể giúp nhiệm vụ này trở nên đơn giản hơn nhiều – các tiêu chuẩn ISO.

Các tiêu chuẩn quốc tế cung cấp hướng dẫn có giá trị trong mọi khía cạnh của đời sống thành phố, từ hiệu quả năng lượng và giao thông thông minh, đến chất lượng không khí và quản lý chất thải.

Các nhà lãnh đạo thành phố có thể giải quyết hiệu quả mối đe dọa của biến đổi khí hậu bằng cách đưa các tiêu chuẩn vào quy hoạch đô thị. Các tiêu chuẩn chính như ISO 50001 cho hệ thống quản lý năng lượng và ISO 52000 cho quản lý hiệu suất năng lượng của các tòa nhà đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động nhà ở bền vững. Phát triển đô thị bền vững không chỉ làm giảm lượng khí thải carbon toàn cầu mà còn thúc đẩy điều kiện sống tốt hơn và giảm chi phí năng lượng ở các thành phố và xa hơn nữa.

Theo Hà My (theo ISO)
https://vietq.vn/phat-trien-ben-vung-cho-mot-hanh-tinh-dang-thay-doi-voi-tieu-chuan-quoc-te-d235043.html